Kiểm toán là loại hình dịch vụ đang được phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Các đối tượng sử dụng thông tin, nhất là các đối tượng ở bên ngoài doanh nghiệp, có thể gặp những rủi ro liên quan đến thông tin, chẳng hạn nhận được thông sai do mâu thuẫn quyền lợi, do sự phức tạp nghiệp vụ, do số lượng nghiệp vụ phát sinh nhiều và đa dạng, và thậm chí là do sai xót hoặc gian lận,… . Do đó, với nhu cầu mong muốn có một đơn vị độc lập cung cấp dịch vụ nhằm minh bạch thông tin, số liệu báo cáo tài chính phục vụ cho việc ra quyết định của các nhà sử dụng thông tin, Kiểm toán được ra đời.
Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Kiểm toán (audit) là gì? Các loại Kiểm toán, Mục đích và phạm vi của Kiểm toán.
- Xem thêm Kiểm toán Độc lập là gì? Các doanh nghiệp bắt buộc phải Kiểm toán? Mục đích và Nguyên tắc hoạt động
- Xem thêm Kiểm toán Nội bộ là gì? Nhiệm vụ và Mục tiêu kiểm toán nội bộ? Các đơn vị nào phải thực hiện?
- Xem thêm Kiểm toán Nhà nước là gì? Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán nhà nước?
1. Kiểm toán là gì?
Kiểm toán là việc thu thập và đánh giá các bằng chứng về một thông tin nhằm xác định và báo cáo về sự phù hợp của các thông tin này với các tiêu chuẩn được thiết lập. Việc Kiểm toán cần được thực hiện bởi các Kiểm toán viên đủ năng lực và độc lập.
2. Kiểm toán tiếng Anh là gì?
Kiểm toán tiếng Anh là Audit
Định nghĩa Kiểm toán bằng tiếng Anh: Audit is the collection and evaluation of evidence about information in order to determine and report on its compliance with established standards. Audits should be performed by qualified and independent Auditors.
3. Có các loại Kiểm toán nào?
Phân loại theo mục đích kiểm toán:
Kiểm toán Báo cáo tài chính:
Kiểm toán Báo cáo tài chính là sự kiểm tra và trình bày ý kiến nhận xét về tính trung thực, hợp lý của các Báo cáo tài chính của một đơn vị được kiểm toán bao gồm: Kiểm tra Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh Báo cáo tài chính.
Kiểm toán Báo cáo tài chính thường được thực hiện bởi các Kiểm toán viên độc lập, phục vụ cho nhu cầu quản lý, Nhà nước và Chủ yếu là các đối tượng sử dụng thông tin bên ngoài như Nhà đầu tư, Chủ nợ, Cổ đông, Nhà cung cấp,…
Kiểm toán tuân thủ:
Kiểm toán tuân thủ là việc Kiểm tra nhằm đánh giá mức độ chấp hành Luật pháp hay theo một nội dung văn bản, quy định nào đó.
Kiểm toán Tuân thủ thường do cấp trên thực hiện kiểm tra đối với cấp dưới như: Kiểm tra của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp về việc chấp hành luật thuế, kiểm toán Nhà nước kiểm tra đối với đơn vị sử dụng vốn và kinh phí Nhà nước,… kết quả kiểm toán phụ vụ cho các cấp có thẩm quyền liên quan.
Kiểm toán hoạt động:
Kiểm toán hoạt động là tiến trình kiểm tra và đánh giá về sự hữu hiệu và tính hiệu quả của một hoạt động. Có thể là đánh giá một phương án sản xuất kinh doanh, một quy trình công nghệ, một cơ cấu tổ chức.
Kiểm toán hoạt động thường được thực hiện bởi các kiểm toán viên nội bộ nhưng cũng có thể do Kiểm toán viên nhà nước hay Kiểm toán viên độc lập tiến hành. Kết quả của Kiểm toán hoạt động chủ yếu phục vụ cho lợi ích của bản thân doanh nghiệp.
Phân loại theo người thực hiện Kiểm toán
Kiểm toán độc lập:
Được tiến hành bởi các Doanh nghiệp kiểm toán (các Công ty Kiểm toán độc lập) thực hiện Kiểm toán Báo cáo tài chính, ngoài ra, cũng thực hiện kiểm toán hoạt động hay kiểm toán tuân thủ và các dịch vụ tư vấn tài chính theo yêu cầu của khách hàng.
Báo cáo kiểm toán độc lập có tính pháp lý cao và được sử dụng chủ yếu bởi các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp.
Kiểm toán nội bộ:
Do các kiểm toán viên nội bộ thực hiện (thường là một bộ phận trong đơn vị được tổ chức để thực hiện chuyên về nghiệp vụ này). Kiểm toán nội bộ chủ yếu là thực hiện Kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ, phục vụ cho các nhà quản lý trong doanh nghiệp.
Kiểm toán nhà nước:
Là các loại hình kiểm toán được các kiểm toán viên nhà nước tiến hành: Ví dụ: Kiểm toán thuế, Kiểm toán ngân sách,…
Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ đối với mọi đơn vị và cả kiểm toán hoạt động đối với các đơn vị sử dụng vốn và kinh phí nhà nước.
4. Mục đích của kiểm toán.
Dựa trên mỗi kiểm toán được phân loại ở trên, ta sẽ có cách mục đích khác nhau, cụ thể:
Đối với kiểm toán nhà nước:
Thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
Đối với kiểm toán độc lập:
Là báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Kiểm toán độc lập là người thứ ba độc lập khách quan sẽ đưa ra lời kết luận là báo cáo tài chính của doanh nghiệp lập ra có trung thực và hợp lý không ? Kiểm toán độc lập còn giúp các đơn vị kế toán phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các gian lận và sai sót, phòng ngừa các sai phạm và thiệt hại có thể xảy ra.
Đối với kiểm toán nội bộ:
- Kiểm tra tính phù hợp, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ.
- Kiểm tra sự tuân thủ các nguyên tắc hoạt động, quản lý kinh doanh, chính sách chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của hội đồng quản trị, của ban giám đốc doanh nghiệp.
- Phát hiện những sơ hở, yếu kém, gian lận trong quản lý ; đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống quản lý điều hành của doanh nghiệp.
5. Phạm vi của kiểm toán.
Phạm vi của mỗi loại kiểm toán cụ thể như sau:
Đối với kiểm toán nhà nước:
- Tài liệu kế toán và báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị thụ hưởng ngân quỹ nhà nước hoặc ngân quỹ công.
- Kiểm toán báo cáo quyết toán các công trình đầu tư XDCB thuộc vốn ngân sách cấp, các dự án, chương trình tài trợ, vay nợ thuộc chính phủ.
- Kiểm toán báo cáo tài chính các doanh nghiệp nhà nước.
- Kiểm toán báo cáo quyết toán các chương trình an ninh, quốc phòng, dự trữ quốc gia.
- Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán theo chương trình kế hoạch kiểm toán được chính phủ phê duyệt.
Đối với kiểm toán độc lập:
- Cung cấp dịch vụ kiểm toán theo yêu cầu của khách hàng, chủ yếu là kiểm toán báo cáo tài chính cho các công ty cổ phần và nhiều loại hình DN khác, có thể là đối tượng kiểm toán theo luật định hoặc tự nguyện.
- Thực hiện kiểm toán theo yêu cầu cho các đơn vị hành chính sự nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế..
- Cung cấp dịch vụ kế toán, tư vấn và nhiều dịch vụ khác.
Đối với kiểm toán nội bộ
- Kiểm toán hoạt động.
- Kiểm toán tính tuân thủ
- Kiểm toán báo cáo tài chính và báo cáo kế toán quản trị.
- Kiểm toán nội bộ chỉ thực hiện việc kiểm toán trong phạm vi DN và các đơn vị nội bộ DN.
6. Các tài liệu Văn bản liên quan đến Kiểm toán:
- Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam
- Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 số 67/2011/QH12
- Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015
- Nghị định về Kiểm toán Nội bộ số 05/2019/NĐ-CP
Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Kiểm toán (Audit) là gì? Các loại Kiểm toán, Mục đích và phạm vi của Kiểm toán.