Kiểm toán Báo cáo tài chính là một trong các hoạt động kiểm toán, ngày càng được phổ biến, và chứng tỏ vai trò của mình đối với việc minh bạch các số liệu, thông tin tài chính.
Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Kiểm toán Báo cáo tài chính là gì? Mục đích và Vai trò của Kiểm toán Báo cáo tài chính.
Xem thêm:
- Kiểm toán là gì? Các loại Kiểm toán, Mục đích và phạm vi của Kiểm toán
- Báo cáo Kiểm toán là gì? Mẫu Báo cáo Kiểm toán và Cách đọc Báo cáo Kiểm toán
- Các loại Ý kiến kiểm toán và Những lưu ý khi đọc Ý kiến kiểm toán, Các Ví dụ cụ thể
- Mức trọng yếu là gì? Cách xác định mức độ trọng yếu trong Kiểm toán
1. Kiểm toán Báo cáo tài chính là gì?
Theo Luật Kiểm toán độc lập năm 2011:
Kiểm toán báo cáo tài chính là việc kiểm toán viên hành nghề, công ty kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.
2. Đối tượng của Kiểm toán Báo cáo Tài chính:
Qua khái niệm của Kiểm toán báo cáo tài chính, ta có thể thấy được đối tượng của Kiểm toán BCTC là các Báo cáo tài chính bao gồm:
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh
- Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ
- Thuyết minh Báo cáo tài chính
Các báo cáo này chứa đựng các thông tin tài chính và thông tin phi tài chính, thông tin định lượng và thông tin không định lượng, phản ánh tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, tình hình và kết quả lưu chuyển tiền tệ, và các thông tin cần thiết khác để người sử dụng Báo cáo tài chính có thể phân tích, đánh giá đúng đắn tình hình và kết quả kinh doanh của đơn vị.
3. Mục tiêu của Kiểm toán Báo cáo tài chính:
Đối tượng của Kiểm toán Báo cáo tài chính là các Báo cáo tài chính, hay nói chính xác hơn là các thông tin trên Báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Dựa trên các bằng chứng thu thập được, đối chiếu với các tiêu chuẩn, Chuẩn mực kiểm toán, những quy định pháp lý về kế toán, và các quy định liên quan khác, kiểm toán viên phải đi đến và đạt được ý kiến của mình về mức độ trung thực, hợp lý của các báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Từ đó, ta có thể thấy được Mục tiêu tổng quát của Kiểm toán báo cáo tài chính bao gồm:
- Giúp cho Kiểm toán viên và Công ty kiểm toán đưa ra ý kiến xác nhận rằng Báo cáo tài chính có được lập trên cơ sở Chuẩn mực Kế toán và chế độ kế toán hiện hành (hoặc được chấp nhận), có tuân thủ pháp luật liên quan và có phản ánh trung thực, hợp lý xét trên các khía cạnh trọng yếu hay không?
- Giúp cho đơn vị được kiểm toán thấy rõ được những tồn tại, sai sót để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng thông tin tài chính của đơn vị.
Sự đạt được các mục tiêu kiểm toán trên đây được thể hiện thông qua kết quả cuối cùng của một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính là Báo cáo kiểm toán và Thư quản lý
4. Những nguyên tắc cơ bản trong Kiểm toán Báo cáo tài chính:
Báo cáo Kiểm toán tuy không khẳng định tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính đã được kiểm toán nhưng có mức độ đảm bảo cao. Những nguyên tắc sau đây sẽ chi phối đến quá trình đạt được sự đảm bảo cao đấy:
a) Tuân thủ pháp luật: Kiểm toán viên phải luôn coi trọng và chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước trong quá trình hành nghề kiểm toán.
b) Tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp:
Những nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề kế toán kiểm toán bao gồm:
- Độc lập
- Chính trực
- Khách quan
- Năng lực chuyên môn và tính thận trọng
- Tính bảo mật
- Tư cách nghề nghiệp
- Tuân thủ Chuẩn mực Kiểm toán chuyên môn
c) Tuân thủ chuẩn mực kiểm toán: Chuẩn mực kiểm toán quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn các thể thức áp dụng các nguyên tắc và thủ tục cơ bản liên quan đến Kiểm toán Báo cáo tài chính. Trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán viên phải tuân thủ các Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam hoặc các chuẩn mực kiểm toán được chấp thuận.
Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam đã chia sẻ đến bạn đọc: Kiểm toán Báo cáo tài chính là gì? Mục đích, Vai trò và các Nguyên tắc của Kiểm toán Báo cáo tài chính.